Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM

TS. BS. Nguyễn Vĩnh Ngọc (Khoa khớp, Bệnh viện Bạch Mai)


Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng chèn ép dây thần kinh gây đau.
Điều trị thoát vị đĩa đệm tùy theo tính chất tổn thương, biến chứng của bệnh cũng như mức độ ảnh hưởng của bệnh lên khả năng vận động và sinh hoạt của người bệnh. Các biện pháp điều trị bao gồm điều trị nội khoa, Đông y, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và cả ngoại khoa. Điều trị nội khoa bằng thuốc có thể chữa khỏi đa số các trường hợp thoát vị đĩa đệm. Đó là dùng thuốc giảm đau (paracetamol, efferalgan codein), thuốc chống viêm không steroid (celebrex, mobic), thuốc giãn cơ (myonal). Ở cơ sở chuyên khoa khớp có điều kiện kỹ thuật và vô khuẩn người ta còn tiêm ngoài màng cứng bằng hydrocortison. Có thể dùng các biện pháp nắn chỉnh cột sống như tác động cột sống, kéo dãn cột sống, mang dụng cụ cố định cột sống cổ hay thắt lưng bị đau. Ở 1-3 tuần đầu tiên, việc tác động cột sống làm giãn các mâm sống và dịch chuyển phần đĩa đệm bị lồi trở lại vị trí bình thường. Kéo dãn cột sống bằng dụng cụ chỉ định cho lồi hoặc thoát vị đĩa đệm. Đeo đai lưng hay yếm cổ có tác dụng làm giảm tải tác động lên đĩa đệm. Gần đây người ta bắt đầu sử dụng laser, sóng radio để điều trị đau thần kinh tọa. Về điều trị bằng Đông y, người ta thường áp dụng các phương pháp xoa bóp, châm cứu, ấn huyệt, thủy châm. Xoa bóp có tác dụng giảm đau, chống co cứng và cải thiện chức năng các cơ cạnh cột sống. Trị bệnh bằng châm cứu được phát triển ở Trung Quốc từ 2-3 ngàn năm nay. Châm cứu kích thích tiết ra những chất hóa học tự nhiên có tác dụng giảm đau. Các biện pháp vật lý trị liệu thường dùng là liệu pháp nhiệt như chườm túi lạnh, tắm nước nóng, dùng đệm sưởi nóng. Có thể dùng các biện pháp khác như chiếu tia hồng ngoại, laser, sóng ngắn, từ trường, điện dẫn thuốc... Khi có điều kiện có thể dùng liệu pháp tắm cát, đắp bùn, tắm suối khoáng, tắm biển. Phẫu thuật chỉ có chỉ định trong một số rất ít các trường hợp. Đó là khi điều trị nội khoa không đỡ sau 6 tháng, hay có một số biến chứng của bệnh như liệt và teo cơ, rối loạn cơ tròn. Phẫu thuật nhằm giải phóng rễ thần kinh khỏi bị chèn ép. Đó là các biện pháp cắt bỏ đĩa đệm qua da, mổ cắt cung sau, mổ lấy nhân thoát vị.

Các biện pháp phòng tránh và luyện tập cho người bệnh bị thoát vị đĩa đệm

Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm cần phải rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh và đặc biệt là một cột sống vững chắc, ngay từ tuổi trẻ bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Điều quan trọng là biết giữ gìn tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt hằng ngày. Trẻ em cần ngồi học đúng tư thế, tránh mang vác nặng. Điều đó giúp phòng tránh tật gù vẹo cột sống, là một yếu tố nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm. Người trưởng thành cần chú ý tránh khiêng vác vật nặng, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom. Hiện nay các nhân viên văn phòng thường ngồi làm việc liên tục hàng giờ liền bên máy vi tính. Điều đó làm cho cơ vai, cổ phải co cứng thường xuyên để giữ đầu cố định, gây chứng đau vai, gáy. Ngoài ra cột sống cổ cũng phải gánh tải trọng của đầu trong thời gian dài, làm tăng áp lực lên đĩa đệm. Kết quả là đĩa đệm cột sống cổ dễ bị thoái hóa và thoát vị. Ngồi lâu kéo dài trong tư thế gò bó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cột sống thắt lưng và cũng là yếu tố nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Do vậy sau khi ngồi khoảng 1 giờ cũng nên đứng dậy nghỉ ngơi 5-10 phút, vừa bảo vệ mắt lại vừa giữ gìn đĩa đệm cột sống. Cũng cần tránh mọi chấn thương cho cột sống, tránh ngã dồn mông xuống đất. Tránh tuyệt đối các động tác thể thao hoặc vận động quá mức và kéo dài.

Khi đã bị thoát vị đĩa đệm rồi thì cần phải áp dụng bổ sung các biện pháp dự phòng bệnh tái phát. Bệnh nhân cần bỏ rượu, thuốc lá, giảm cân với những người béo phì, tránh những căng thẳng quá mức về tâm lý. Thực hiện các động tác sinh hoạt hằng ngày thích nghi với tình trạng đau cột sống thắt lưng. Để tránh tải trọng quá mức lên cột sống, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cần đeo đai lưng hay bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ cần đeo yếm cổ. Cần tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, không quá sức để nâng cao thể lực. Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cần áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai của các khối cơ lưng và cơ bụng. Có thể đi bộ trên nền phẳng, bơi, đạp xe. Cần chú ý rằng đi xe máy, ô tô trên đường xóc, mấp mô cũng là một nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm cột sống. Do vậy người bị thoát vị đĩa đệm cần tránh đi xe đường xóc. Nếu cần phải đi ô tô, xe máy thì cần đeo đai lưng. Ngoài ra cần điều trị kịp thời các bệnh lý cột sống. Cần cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế các sang chấn về tinh thần, chấn thương do lao động. Thích nghi với nghề nghiệp: tránh các nghề như lái mô tô, máy kéo...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét