Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG

Đau lưng gần như một căn bệnh của toàn nhân loại, nó gây ra bởi quy luật lão hóa và bệnh lý của con người. Tần xuất và mức độ đau xuất hiện gia tăng theo tuổi tác. Đau lưng do thoát vị đĩa đệm cột sống (TVĐĐCS) gây ra các triệu chứng chè ép tuỷ và chèn ép rễ dây thần kinh khiến ta có cảm giác đau và tê buốt dọc theo hai cánh tay hay dọc theo hai chân mà trước đậy một số thầy thuốc thường chẩn đóan là đau dây thần kinh tọa.Đa số các trường hợp khác là đau cơ năng liên quan đến sự thoái hoá cột sống, cơ, dây chằng, gai cột sống.
Việc chẩn đoán trước đây có những khó khăn, phần lớn các thầy thuốc chỉ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng của hội chứng chèn ép rễ dây thần kinh hoặc hội chứng chèn ép tuỷ. Tiến hơn một bước nhiều cơ sở y tế đã tiến hành chụp bao rễ thần kinh, chụp cắt lớp vi tính. Nhưng khi kỹ thuật chụp cộng hưởng từ(MRI) ra đời thì việc chẩn đoán đau lưng do TVĐĐCS đã trở nên dễ dàng và chính xác hơn.
Chưa có một vũ khí thần kỳ nào để chống trả căn bệnh này. Các bác sĩ đã áp dụng những liệu pháp tổ hợp bao gồm thuốc men, vật lý trị liệu và cả tâm lý liệu pháp. Khi các liệu pháp trên không mang lại kết quả thì ngoại khoa là con đường lựa chọn. Trong lịch sử y học đã có quá nhiều phương pháp ngoại khoa được áp dụng: Điều trị bằng phẩu thuật là kỹ thuật kinh điển được áp dụng sớm nhất bao gồm (Phẩu thuật đĩa đệm, phẩu thuật đóng cứng cột sống, phẩu thuật chỉnh hình đĩa đệm). Đây là những can thiệp ngoại khoa khá nặng nề mà bệnh nhân phải chịu đựng. Trong phương pháp can thiệp ngoại khoa này, dù là một bác sĩ giàu kinh nghiệm nhưng cũng không ai dám chắc là tránh được ra các biến chứng trong phẩu thuật dù là rất hi hữu.
Một số biến chứng của mổ hở có thể gặp như:
- Liệt sau mổ
- Dò dịch não tuỷ
- Xơ hóa màng cứng
- Sẹo bên trong gây dính rễ dây thần kinh và trong gây ra đau khi vận động
- Mất cấu trúc ổn định vốn có của cột sống
- Ngoài ra vẫn có thể gặp những biến chứng trong can thiệp ngoại khoa như: Chảy máu thứ phát, nhiễm trùng vết mổ. Phẩu thuật lại phải tiến hành dưới gây mê và bệnh nhân phải chịu đau sau mổ. Tuy vậy phẩu thuật hở vẫn rất cần thiết khi mà các phương pháp can thiệp tối thiểu không mang lại kết quả.
Điều trị bảo tồn là điều cần thiết trước tiên. Theo PGS.TS.BS Hồ Hữu Lương đó là: Chế độ bất động, lí liệu pháp, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, kéo dãn cột sống, thuốc men, các phương pháp phong bế v.v...Nếu sau một thời gian điều trị bảo tồn như đã nêu trên mà không mang lại kết quả, triệu chứng đau vẫn không giảm thì mới tính đến can thiệp ngoại khoa.
Để hạn chế được những biến chứng, những di chứng cũng như tâm lý sợ phẩu thuật của bệnh nhân, nhiều phương pháp can thiệp ngoại khoa ít xâm lấn đã được tiến hành: Vi phẩu nhân nhầy đĩa đệm, hoá tiêu nhân nhầy đĩa đệm bằng Chymopapain và đặc biệt là sử dụng nguồn năng lượng Laser để giảm áp đĩa đệm.
Với sự phát triển của công nghệ Laser và dây dẫn quang mềm cùng với các thiết bị Xquang hiện đại đã cho phép các nhà y học đưa ra phương pháp: Giảm áp đĩa đệm cột sống bằng Laser chọc qua da (Percutaneous Laser Disc Decompression, viết tắc là PLDD). Đây là một kỹ thuật không phải phẩu thuật và nó được tiến hành dưới gây tê tại chỗ. Trong quá trình tiến hành thủ thuật, phẩu thuật viên vẫn tiếp xúc được với bệnh nhân qua ngôn ngữ để nhận biết được cảm giác của bệnh nhân. Nguồn năng lượng Laser đưa vào nhân nhầy, cùng với lỗ hổng do nhân nhầy bị bốc bay đã tạo ra sẽ làm giảm áp suất trong nhân nhầy của đĩa đệm. Kỹ thuật dùng Laser này lần đầu tiên được thực hiện ở bệnh viện Graz của Áo do hai bác sĩ tiên phong là GS.P. Ascher và GS. D.J. Choi vào năm 1986. Đến nay kỹ thuật Giảm áp đĩa cột sống bằng Laser chọc qua da đã được thực hiện trong nhiều bệnh viện ở Châu Âu va Châu Mỹ. Ở Châu Á, sau Nhật Bản và Malaysia, Việt nam tự hào là nước thứ Ba đãtriển khai thành công kỹ thuật nàyvào năm 1999 dưới sự giúp đỡ của GS.Massashi Marumo (Nhật Bản). Trong 7 năm qua chúng tôi đã tiến hành kỹ thũat này cho trên 1.000 bệnh nhân. Phần lớn bệnh nhân được điều trị đều hài lòng với kết quả đạt được. Trong các báo cáo khoa học của Việt Nam trình bày tại các hội thảo quốc tế chúng ta cũng đạt đuợc một tỷ lệ kết quả tương đồng với các nước tiên tiến. Kinh phí điều trị chỉ bằng một phần mười ở các nước khác. Cụ thể sau lần can thiệp thứ nhất 70-75% đạt kết quả tốt. Khỏa 25-30% bệnh nhân cần làm bổ sung lần thứ 2, kết quả sau lần làm bổ sung nàu đạt được một tỷ lệ ổn định là 85-90%. Một số ít bệnh nhân dù đã được can thiệp bổ sung, nhưng nếu triệu chứng chèp ép không giảm thì khuyên bệnh nhân nên thực hiện mổ hở. Ngược lại đã có một số trường hợp mở hở không kết quả lại kết quả với kỹ thuật giảm áp đĩa đệm cột sống bằng Laser qua da bổ sung.
Khảo sát khi thực hiện cộng hưởng từ một cách tỷ mỹ, chính xác sẽ giúp người bác sĩ ngoại khoa Laser đưa ra một quyết định can thiệp tối ưu nhất.
Một vài chống chỉ định tuyệt đối trong kỹ thuật này là: Ung thư cột sống, Lao cột sống,Gãy thân đốt sống, Trượt thân đốt sống trên độ một, Phụ nữ đang mang thai, Đĩa đệm đã bị vỡ, Xẹp đĩa đệm trên 50%.
Chống chỉ định tương đối là: Thoái hoá cột sống nặng, Phì đại dây chằng vàng, Hẹp lỗ liên hợp do thoái hoá xương, Đứt dây chằng dọc sau.
TR.C.Duyệt
(Báo Người Lao động ra ngày thứ bảy 10/3/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét